News - T5, 06/27/2024 - 13:31
Tim đập nhanh: dấu hiệu nhận biết, phương pháp chẩn đoán và điều trị
Tim đập nhanh khi vận động thể lực khác với tim đập nhanh do bệnh lý tim mạch. Vậy tim đập nhanh khi nào thì nguy hiểm và sẽ được chẩn đoán ra sao?

Nhịp tim nhanh là gì?
Khi không vận động thể chất hoặc phấn khích, nhịp tim của người trưởng thành dao động từ 50 đến 100 nhịp một phút. Nhịp tim nhanh là nhịp tim trên 100 nhịp/phút ở người trưởng thành trong trạng thái nghỉ ngơi.
Khi nhịp tim tăng nhanh do tập thể dục, hồi hộp hoặc làm việc gắng sức, tim sẽ trở lại nhịp bình thường sau khi nghỉ ngơi hoặc ổn định tâm lý. Ngược lại, nếu không có bất kỳ yếu tố kích thích nào mà vẫn cảm thấy tim đập nhanh hơn bình thường hoặc đánh trống ngực, bạn cần lưu ý thăm khám để tìm hiểu nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Phân loạn tim đập nhanh
Tình trạng tim đập nhanh được phân loại thành các nhóm chính sau:
Rung nhĩ
Tình trạng nhịp tim nhanh do xung điện hỗn loạn, không đều ở tâm nhĩ (tầng trên của tim) được gọi là rung nhĩ. Khi rung nhĩ xảy ra, tâm nhĩ co bóp nhanh hơn, hỗn loạn và yếu hơn. Đây là rối loạn nhịp nhanh phổ biến nhất. Khi rung nhĩ, nhịp tim có thể lên tới 150-200 nhịp/phút.

Cuồng nhĩ
Cuồng nhĩ là hiện tượng vào lại tâm nhĩ. Mạch phổ biến nhất liên quan đến eo cavo ba lá ở tâm nhĩ phải. Nhịp nhĩ thường là 300/phút, độ dẫn truyền trong tâm thất có thể thay đổi nhưng tốc độ dẫn truyền 2/1 thì tương ứng với nhịp tim là 150/phút.
Trong hai tình trạng nhịp tim nhanh - rung nhĩ và cuồng nhĩ này, các cục máu đông có thể hình thành, gây nguy cơ đột quỵ đe dọa tính mạng.
Nhịp tim nhanh trên thất
Nhịp tim nhanh trên thất hay rối loạn nhịp nhanh trên thất là tình trạng tim không hoạt động theo nhịp xoang bình thường mà đập nhanh hơn do ảnh hưởng từ một ổ phát nhịp có tần số cao hơn nằm tại vị trí nào đó phía trên tâm nhĩ rồi lan xuống tâm thất.
Rối loạn nhịp nhanh trên thất gồm 3 loại chính:
-
Nhịp nhanh nhĩ
Nhịp nhanh nhĩ là tình trạng tăng nhịp tim gây ra bởi ổ phát nhịp bất thường tại tâm nhĩ (tầng trên của tim). Ổ phát nhịp bất thường ở tâm nhĩ chiếm quyền điều khiển của các ổ phát nhịp bình thường (nút xoang) do có tần số cao hơn.
Những ổ phát nhịp này phát nhịp nhanh và bền bỉ do đó người bệnh có nhịp tim nhanh và thường đều, dao động từ 150 đến 250 nhịp mỗi phút.
Rối loạn nhịp nhanh này thường xảy ra ở bệnh nhân cao tuổi có rối loạn cấu trúc tim, viêm ngoài màng tim, do thuốc như digoxin, rượu hoặc hít khí độc.
-
Nhịp nhanh vào lại nút nhĩ thất
Người bệnh xuất hiện nhịp nhanh khi có một vòng vào lại khu trú trong phạm vi nút nhĩ thất, luồng xung điện bất thường lan truyền theo vòng vào lại này. Nhịp nhanh vào lại nút nhĩ thất gồm 2 tuýp, một tuýp khởi đầu bằng phức hợp nhĩ đi xuống dưới qua đường truyền chậm sau đó đi trở lại theo đường nhanh, tuýp thứ 2 xuôi theo đường nhanh và trở lại theo đường chậm.
Nhịp nhanh vào lại nút nhĩ thất thường gặp ở thanh niên độ tuổi 20-30, phổ biến ở nữ hơn nam.
-
Hội chứng Wolff - Parkinson - White (WPW)
Nhịp tim nhanh trong hội chứng này gây ra do có thêm một đường dẫn truyền phụ nối trực tiếp tâm nhĩ xuống tâm thất. Hội chứng này thường do nguyên nhân bẩm sinh. Triệu chứng thường gặp là đánh trống ngực đột ngột kèm theo khó thở, đau ngực.
Nhịp tim nhanh thất
Nhịp tim nhanh thất là rối loạn nhịp nhanh xảy ra ở tâm thất. Nhịp tim nhanh khiến tâm thất không kịp chứa đầy máu, không đủ để co bóp và đẩy máu đi khắp cơ thể. Nhịp nhanh thất không đều, có thể chỉ kéo dài trong thời gian ngắn khoảng vài giây nhưng trong những trường hợp nghiêm trọng, khi tình trạng kéo dài lâu hơn, người bệnh có thể ngất xỉu.
Nhịp nhanh thất có thể dẫn đến rung thất đe dọa tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Dấu hiệu nhịp tim nhanh
Một số người bệnh có nhịp tim nhanh nhưng không hề có biểu hiện triệu chứng, đa số trường hợp thì có thể cảm nhận được các dấu hiệu như:
-
Hụt hơi
-
Chóng mặt, choáng váng
-
Hồi hộp, lâng lâng
-
Đau, tức ngực
-
Đuối sức
-
Ngất xỉu
-
Khó thở
Nguyên nhân chủ yếu của những triệu chứng này là do khi tim đập quá nhanh, máu không được bơm đủ máu và vận chuyển oxy tới các cơ quan.

Nguyên nhân tim đập nhanh
Nguyên nhân tim đập nhanh liên quan đến các bệnh lý tim mạch như suy tim, viêm cơ tim, hội chứng mạch vành cấp…
Ngoài ra, tim đập nhanh có thể do các bệnh lý ở cơ quan khác như thuyên tắc phổi, cường giáp, thiếu máu, nhiễm trùng… hoặc do ngộ độc, hạ đường huyết, rối loạn điện giải…
Ai có nguy cơ bị tim đập nhanh
Những đối tượng có nguy cơ tim đập nhanh bao gồm:
-
Người cao tuổi
-
Người có tiền sử gia đình có nhịp tim nhanh hoặc rối loạn nhịp tim
-
Bệnh nhân tiểu đường, cường giáp, suy giáp, tăng huyết áp
-
Bệnh nhân mắc bệnh tim mạch
-
Bệnh nhân có hội chứng ngưng thở khi ngủ
-
Người hút thuốc lá hoặc sử dụng chất kích thích
-
Người thường xuyên căng thẳng lo lắng
-
Người thừa cân
Tim đập nhanh có nguy hiểm không? Có biến chứng gì?
Không phải trường hợp tim đập nhanh cũng nguy hiểm, trong một số trường hợp người bệnh chỉ bị ảnh hưởng nhẹ và ít ảnh hưởng tới sức khỏe. Tuy nhiên, một số loại tim đập nhanh như rung thất, bệnh nhân có thể không qua khỏi nếu không được cấp cứu kịp thời.
Nếu tình trạng tim đập nhanh không được can thiệp sớm và điều trị, bệnh nhân có thể gặp biến chứng như:
-
Đột quỵ
-
Suy tim
-
Ngừng tim đột ngột hoặc tử vong
Do đó, khi có các dấu hiệu cảnh báo như khó thở, đau tức ngực, đánh trống ngực, ngất xỉu, bệnh nhân cần tới các cơ sở y tế để được chẩn đoán và can thiệp hiệu quả.
Chẩn đoán tim đập nhanh như thế nào?
Bệnh nhân thăm khám chuyên khoa sẽ được bác sĩ tư vấn cụ thể và thực hiện một số cận lâm sàng cần thiết để xác định nguyên nhân dẫn đến rối loạn nhịp nhanh.
-
Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ cần bệnh nhân mô tả cụ thể triệu chứng mà bệnh nhân cảm nhận được, tần suất xuất hiện triệu chứng, tiền sử gia đình, tiền sử bệnh, các yếu tố nguy cơ, các loại thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng.
-
Điện tâm đồ: kết quả điện tâm đồ giúp bác sĩ tìm ra điểm bất thường về nhịp tim của bệnh nhân
-
Holter điện tim: trong một số trường hợp nhịp tim nhanh không thường xuyên, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân đo điện tâm đồ liên tục 24 giờ bằng một thiết bị có tên Holter điện tim. Dựa trên thời điểm và đặc điểm các cơ tăng nhịp tim, bác sĩ có thể xác định cụ thể loại và nguyên nhân gây bệnh.
-
Siêu âm tim: khi có nghi ngờ tim đập nhanh do bất thường cấu trúc, cơ tim, chức năng tim bác sĩ có thể chỉ định siêu âm tim để quan sát rõ hơn hình ảnh của tim
-
Chụp Xquang ngực, cộng hưởng từ, cắt lớp vi tính nhằm đánh giá chuyên sâu về các bệnh lý cơ tim, tình trạng tim, phổi, mạch máu…
-
Chụp mạch vành: trong các trường hợp cần chẩn đoán chuyên sâu xác định nguyên nhân gây nhịp nhanh thất hoặc rung thất bác sĩ có thể yêu cầu chụp mạch vành.
-
Khảo sát điện sinh lý, trong khảo sát này ống thông được đưa vào tim để ghi lại hoạt động điện trong tim và kích hoạt loạn nhịp tim nhằm xác định cơ chế gây rối loạn.
Ngoài ra, bác sĩ có thể cân nhắc các chỉ định như nghiệm pháp bàn nghiêng, nghiệm pháp gắng sức… để xác định nguyên nhân cũng như định hướng điều trị rối loạn nhịp nhanh.

Phương pháp điều trị tim đập nhanh
Nhịp tim nhanh không thể điều trị khỏi hẳn nhưng sẽ giúp kiểm soát tình trạng bệnh và ngăn chặn biến chứng nguy hiểm. Tùy theo từng loại rối loạn nhịp nhanh, các phương án điều trị được đưa ra bao gồm:
-
Điều trị bằng các nhóm thuốc: thuốc chống loạn nhịp, thuốc chặn kênh canxi, thuốc chặn kênh beta, thuốc trợ tim Digoxin…
-
Sốc điện chuyển nhịp
-
Triệt đốt ổ loạn nhịp
-
Cấy máy khử rung tim
Để hỗ trợ điều trị, bệnh nhân cần hạn chế căng thẳng lo âu, không sử dụng bia rượu, cafein và các chất kích thích.
Tại Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, phác đồ điều trị cá nhân hóa sẽ được đưa ra cho từng bệnh nhân dựa trên nguyên nhân cụ thể và tình trạng bệnh bởi đội ngũ bác sĩ chuyên khoa tim mạch người Pháp và người Việt Nam.
Bác sĩ sẽ lựa chọn đơn thuốc khi cân nhắc sức khỏe, tiền sử bệnh và các bệnh lý khác đang điều trị của bệnh nhân. Việc theo dõi sát sao và điều chỉnh thuốc phù hợp đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hiệu quả và an toàn cho bệnh nhân.
Các phương pháp sốc điện chuyển nhịp, đốt nhịp được thực hiện bởi đội ngũ chuyên môn dày dặn kinh nghiệm và hệ thống thiết bị nhập khẩu tiên tiến nhất hiện nay.
Máy khử rung tim được cân nhắc trong trường hợp các lựa chọn điều trị trên chưa hiệu quả và cần được bác sĩ chuyên khoa tim mạch chỉ định phù hợp.
Để đặt lịch thăm khám và chẩn đoán chính xác bệnh lý tim đập nhanh tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, vui lòng liên hệ hotline 024 3577 1100.